Lý giải Hiệu_ứng_bàng_quan

Có nhiều nguyên nhân giải thích cho thờ ơ của người chứng kiến trong những trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học tâm trung sự quan tâm chủ yếu ở hai yếu tố. Theo nguyên lý cơ bản của ảnh hưởng xã hội, người chứng kiến thường theo dõi phản ứng của những người chứng kiến khác để xem có cần thiết phải can thiệp không. Bởi mọi người đều phản ứng như nhau (không làm gì), nên họ kết luận rằng sự giúp đỡ là không cần thiết. Đây là một ví dụ của sự vô tri đa nguyên (pluralistic ignorance). Một nguyên nhân cản trở khác được gọi là sự khuếch tán trách nhiệm. Điều này xảy ra khi những người quan sát cho rằng sẽ có ai đó can thiệp, vì vậy mỗi cá nhân cảm thấy ít có trách nhiệm hơn và hạn chế can thiệp.[7]

Lance Shotland và Margaret Straw (1976) cũng phát hiện ra rằng, cách mọi người nhận thức tình huống cũng ảnh hưởng tới phản ứng của họ. Khi chứng kiến một người đàn ông và một người phụ nữ đang đánh nhau, 65% người chứng kiến can thiệp khi người phụ nữ hô "Tránh xa tôi ra, tôi không biết anh", nhưng chỉ có 19% can thiệp khi người phụ nữ hét "Tránh xa tôi ra, tôi không hiểu tại sao tôi lại lấy anh".[5]

Có những lý do khác giải thích vì sao mọi người không giúp đỡ. Họ cho rằng có những người có khả năng và phù hợp hơn để giúp đỡ, ví dụ như bác sĩ hay cảnh sát, vì thế việc can thiệp là không cần thiết. Nhiều người cũng sợ bị đánh giá và mất mặt trước người khác. Họ cũng sợ phải đưa ra những trợ giúp không mong muốn và phải đối mặt với hậu quả pháp lý khi hỗ trợ không đúng cách trong những tình huống nguy hiểm.